Giới thiệu về việc cúng Rằm Tháng 7
Theo truyền thống thì đây là ngày xá tội vong nhân, bên cạnh đó là dịp lễ Vũ Lan báo hiếu, mục đích để chúng ta luôn hướng về tổ tiên cội nguồn, đấng sinh thành.
Rằm tháng 7 năm 2023 là thứ 4, ngày 30/8/2023. Theo phong tục thì chúng ta có thẻ cúng Rằm tháng 7 từ mùng 2 đến 15/7 âm Lịch.
Lưu ý về ngày giờ hoàng đạo
Cụ thể khung giờ hoàng đạo như sau:
Ngày 12/7 Âm lịch tức ngày 27/8 Dương lịch năm 2023.
Giờ Hoàng đạo gồm:
- Sửu: 1:00-2:59,
- Thìn: 7:00-8:59,
- Ngọ: 11:00-12:59,
- Mùi: 13:00-14:59,
- Tuất: 19:00-20:59,
- Hợi: 21:00-22:59.
Ngày 14/7 Âm lịch tức ngày 29/8 Dương lịch năm 2023.
Giờ Hoàng đạo gồm:
- Dần: 3:00-4:59
- Mão: 5:00-6:59
- Tỵ: 9:00-10:59
- Thân: 15:00-16:59
- Tuất: 19:00-20:59
- Hợi: 21:00-22:59
Cần chuẩn bị gì để cúng Rằm Tháng 7
Lễ cúng Rằm tháng 7 thường gồm cúng Phật, cúng gia tiên và cúng chúng sinh.
Mâm cúng Phật Rằm tháng 7
Đối với những gia đình theo đạo Phật, rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn. Theo giáo lý nhà Phật, lễ cúng không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người.
Lễ cúng Phật cần được đặt ở nơi cao nhất trên bàn thờ. Nếu dùng hoa tươi thì nên chọn hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… tránh dùng các loại hoa tạp, hoa dại. Đồ cúng thường là cỗ chay hoặc ngũ quả, nước lọc.
Gia chủ có thể làm mâm cỗ chay gồm: Giò, chả chay, nem chay hoặc nem nấm, canh nấm hoặc rau củ quả, đậu hũ…
Ngoài ra, khi làm lễ cúng Phật vào ngày rằm tháng 7, bạn nên đọc một khóa kinh Vu Lan để hồi hướng công đức đến đấng sinh thành và thể hiện đạo hiếu làm con.
Mâm cúng gia tiên Rằm tháng 7
Đối với mâm lễ cúng gia tiên thường sắp xếp “Trên chay dưới mặn” tức là trên hoa quả, dưới là cỗ mâm mặn. Các món ăn nấu tùy theo điều kiện gia đình, các món ăn cần đa dạng, tươi sạch để thể hiện lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên.
Mâm cúng mặn thường gồm các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho, món xào, món nộm,.. Kèm theo là trái cây, hoa cúng, nước, rượu, nhang, nến, vàng mã và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng như quần áo, giày dép,…
Khi bầy mâm cùng, nếu người cúng là trưởng tộc thì cúng xôi gà và 9 bát xếp chồng lên nhau, 9 đôi đũa. Nếu không có gà thì một miếng thịt hoặc một khoanh giò.
Nếu là con trưởng trong nhà thì cúng 1 mâm cơm, tùy tâm và điều kiện, có ít cúng ít, có nhiều cúng nhiều, nhưng không thể thiếu 7 cái bát chồng lên nhau.
Nếu không phải con trưởng thì cúng 1 mâm cơm gồm nhiều đồ ăn và 5 cái bát tượng trưng cho ngũ đại đồng đường, xếp 5 bát chồng lên nhau.
Chúng ta lâu nay thường lầm tưởng xếp 6 cái bát, để các các cụ ngồi thành 1 mâm, thực ra không phải vậy. Số lượng bát phải phụ thuộc vào người cúng là con trưởng hay con thứ, tượng trưng cho các đời trong dòng tộc.
Mâm cúng chúng sinh Rằm tháng 7
Lễ cúng chúng sinh thường có gạo muối, cháo trắng, hoa quả, đường thẻ, quần áo chúng sinh, bỏng ngô, bánh kẹo, tiền vàng, nước, 3 ly cốc nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.
Lễ cúng chúng sinh không nên làm lễ mặn vì có thể khơi dậy tham, sân, si. Lễ cúng chúng sinh phải được bày ngoài trời hoặc trước cửa chính của ngôi nhà. Gia chủ đọc văn khấn hoặc bài cúng nôm theo tâm nguyện và rải lòng thương của mình đối với các cô hồn, mong linh hồn giải thoát khỏi trần thế đau khổ.
Khi lễ cúng chúng sinh xong thì gạo, muối được vãi ra sân, đường còn vàng mã thì đem đốt.
Theo truyền thống xưa, các gia đình sẽ mua quần áo chúng sinh bằng giấy nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng…). Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo không nên sử dụng vàng mã, tránh lãng phí. Đồng thời Giáo hội cũng cấm đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự. Bởi vậy, các gia đình có thể cân nhắc hình thức này.
Nguồn: tổng hợp
Xem thêm: Văn khấn rằm tháng 7 năm 2023 Mong Bình An Phước Lành